Món canh chân giò nấu măng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người miền Bắc. Món ăn thường nấu với măng khô, nhưng bạn có thể biến tấu một chút, dùng măng tươi để nấu. Măng tươi vốn có vị đắng, ngọt hậu, lại thơm và giòn sẽ khiến món ăn quen thuộc này trở nên lạ miệng, thơm ngon hơn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món chân giò hầm măng tươi
– Thịt chân giò
– 300g măng tươi (chọn loại măng non khi nấu sẽ ngọt mềm)
– Dầu ăn, giấm trắng, nước mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, hành củ, hành lá.
Cách nấu chân giò hầm măng tươi
Bước 1: Bắc một nồi nước sôi, nêm vào nồi khoảng một thìa nhỏ muối, một thìa giấm trắng rồi cho chân giò vào chần sơ khoảng vài phút. Sau đó vớt chân giò ra rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch các bọt bẩn bám vào, để ráo nước.
Bước 2: Ướp chân giò với nước mắm ngon và hạt tiêu trong khoảng 30 – 60 phút.
Việc trụng chân giò bằng nước muối, giấm và ướp với nước mắm, hạt tiêu sẽ làm cho miếng thịt chân giò có phần da trắng và rất thơm ngon.
Bước 3: Măng tươi tước sợi rồi luộc khoảng 10 phút để loại bỏ bớt chất độc. Sau đó cho ra rổ xả lại nước lạnh cho sạch rồi vắt ráo.
– Bước 4: Bắc nồi lên bếp để lửa vừa, cho vào nồi chút dầu ăn để phi hành củ cho thơm.
Tiếp theo cho măng tươi vào xào, nêm vào măng ít muối cho đậm đà.
Xào măng vài phút cho thấm gia vị rồi cho chân giò cùng nước lã vào nồi, đun sôi, hớt bọt rồi vặn nhỏ lửa để hầm cho đến chân giò vừa chín mềm là được (khoảng 30 – 40 phút).
Bước 6: Trong quá trình hầm nêm vào nồi chút muối, hạt nêm sao cho vừa ăn. Khi thịt chân giò chín thì cho vào nồi hành lá để chín tái rồi tắt bếp và múc ra tô, rắc ít hạt tiêu lên.
Lưu ý: Sơ chế măng tươi để khử độc
Trong măng chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, vì chất này có thể được loại bỏ hoàn toàn khi sơ chế.
Để loại bỏ những độc tố có trong măng, sau khi xắt lát nên đem luộc qua với nước sôi trong khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc không nên đậy nắp nồi, để các độc chất trong măng theo hơi nước sôi bay ra ngoài. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh. Cách làm này không những giúp khử hết độc tố mà còn làm giảm đáng kể vị đắng của măng.
Chúc bạn thực hiện thành công với món ăn chân giò hầm măng tươi này!