Lễ cúng đưa ông Công ông Táo về chầu Trời ngày 23 tháng Chạp năm nay cần chuẩn bị những gì?

Rate this post

Lễ cúng Công ông Táo về trời là một trong những lễ quan trọng đối với người Việt Nam trong dịp cuối năm. Đây không chỉ là lễ cúng để bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần trong nhà mà còn là dịp để gia chủ cầu may mắn cho năm mới sắp tới.

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, trong quan niệm của người Việt là ngày Táo quân lên chầu trời báo cáo mọi việc tốt xấu của gia chủ với Ngọc Hoàng. Từ đó Thiên đình sẽ định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Vì vậy, vào ngày này, cac gia đình dọn dẹp nhà cửa khang trang, bao sái bàn thờ gọn gàng để lễ cúng ông Công ông Táo được trang nghiêm nhất.

Lễ vật cho lễ cúng ông Táo về chầu Trời gồm những gì?

Vàng mã

Lễ vật cúng Táo công truyền thống gồm: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ phụ nữ). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.

Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Những đồ “vàng mã” như mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo quân.

Mâm cúng

Mâm cơm cúng ông Công ông Táo sẽ gồm có những món ăn truyền thống của Việt Nam. Tùy theo từng vùng, địa phương hoặc tùy từng nhà sẽ có thể khác nhau đôi chút ở mâm cúng. Tuy nhiên những món chính thường có là:

  • 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
  • 1 đĩa thịt vai luộc
  • 1 bát canh mọc
  • 1 đĩa xào thập cẩm
  • 1 đĩa giò
  • 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho
  • 1 đĩa hoa quả, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu
  • 1 ấm trà sen, 3 chén rượu,
  • 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc
  • Cá chép, vàng mã

Cá chép

Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời.

Con cá chép này sẽ phóng sinh (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Nên cúng ông Công ông Táo vào lúc nào?

Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12 giờ  ngày 23 tháng Chạp.

Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp.

Giờ đẹp năm 2019 để cúng ông Công ông Táo

Năm 2019, giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là trong khung giờ 9 – 11 giờ sáng. Đây là giờ Tỵ và cũng là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.

Giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy dù vướng bận chuyện gì, các gia đình cũng cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp năm nay.

 

 

Scroll to Top