7 phương pháp làm việc nhóm hiệu quả

Rate this post

Làm việc nhóm là một kỹ năng không thể thiếu dù trong môi trường học tập hay công việc. Một số bạn sinh viên vẫn chưa biết cách làm việc nhóm dẫn đến nhiều bất đồng, mâu thuẫn và làm việc không hiệu quả. Vậy làm thế nào để làm việc nhóm hiệu quả?

Làm việc nhóm không khó, nhưng làm thế nào để mọi người phát huy hết thế mạnh của từng cá nhân, đóng góp cho công việc chung của nhóm đạt hiệu quả cao, lại là điều không phải ai cũng làm được. Những bật mí nhỏ dưới đây sẽ phần nào giúp cho việc làm nhóm trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Làm việc nhóm không hiệu quả, tại sao?

Một điều có thể dễ dàng nhìn thấy ở các nhóm, là có thành viên đảm nhận quá nhiều công việc, còn thành viên khác thì không có công việc gì. Điều này vô tình dẫn đến sự mâu thuẫn trong nội bộ và không công bằng giữa các thành viên. Đôi khi, công việc của nhóm thường dồn quá nhiều cho nhóm trưởng. Và sản phẩm có thể là kết quả của riêng nhóm trưởng chứ không phải công sức của nhóm. Ngược lại, khi nhóm trưởng “ôm” quá nhiều việc mà không giao cho thành viên, sẽ làm cho mọi người chán nản, bất hợp tác.

Mỗi thành viên là một mảnh ghép, một tính cách khác nhau. Trong quá trình làm việc nhóm, việc xuất hiện những mâu thuẫn hay bất đồng ý kiến, là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn không giải quyết khéo léo những “xung đột” ấy sẽ dẫn đến việc rạn nứt tình cảm bạn bè.

Bên cạnh đó, một số bạn sinh viên thường có tâm lý “không phải việc của mình”, “ngồi mát ăn bát vàng”. Và kết quả là “cha chung không ai khóc”. Đặc biệt, một số thành viên thường thích làm vừa lòng người khác bằng cách luôn tỏ ra đồng ý khi người khác đưa ra ý kiến, mà chính bản thân mình không đồng ý hoặc không hiểu gì. Có thể thấy, những người như trên đang áp dụng triệt để châm ngôn “thứ nhất ngồi ỳ, thứ nhì đồng ý”.

Đặc biệt, chúng ta thường lẫn lộn giữa tình cảm cá nhân hay vị trí của từng thành viên trong nhóm, mà không đưa ra những đóng góp, chất vấn hay tranh luận để đạt được kết quả tốt nhất. Các thành viên thường có thái độ “dĩ hòa vi quý”, nhưng đây chỉ nên là yếu tố tạo sự đồng thuận, chứ không phải là sự dễ dãi trong công việc.

Phương pháp làm việc nhóm hiệu quả

Để đạt được hiệu quả trong việc làm việc nhóm, hãy áp dụng những phương pháp sau:

1. Hãy luôn đúng giờ, điều đó sẽ giúp cho các thành viên khác trong nhóm không phải chờ đợi bạn, hay phải mất thêm thời gian nhắc lại những gì đã thảo luận trước đó.

2. Phân công công việc một cách thật hợp lý. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò và khả năng của nhóm trưởng. Khi công việc được phân công một cách rõ ràng, thì từng thành viên sẽ tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân mình.

3. Hãy luôn lắng nghe người khác nói. Đừng bao giờ nghĩ rằng mọi ý kiến của mình đều đúng và bản thân có thể giải quyết mọi việc. Ai cũng có những giới hạn nhất định về một vấn đề nào đó. Lắng nghe là cách chúng ta học hỏi kiến thức từ người khác, bổ sung những gì còn thiếu cho bản thân. Khi làm việc nhóm, lắng nghe là điều rất quan trọng, nó giúp mọi người hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn.

4. “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hãy luôn đoàn kết để đạt được mục đích chung. Bởi, mỗi người có một thế mạnh ở một lĩnh vực riêng. Và đôi khi để giải quyết vấn đề của nhóm cần nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực, mức độ và đòi hỏi các kỹ năng khác nhau.

5. Tôn trọng ý kiến của các thành viên trong nhóm. Bởi, một ý kiến hay phương án nào đó có hay tới đây đi chăng nữa cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Nếu bạn biết tôn trọng ý kiến của người khác, đúc kết những điểm hay, mới, sáng tạo thì sẽ giúp công việc của cả nhóm đạt được hiệu quả cao.

6. Sự tự ý thức của mỗi thành viên trong nhóm. Một nhóm chỉ hoạt động hiệu quả khi các thành viên có ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc được giao. Không chỉ trách nhiệm với công việc mình, mà bản thân cần có trách nhiệm với công việc chung của cả nhóm. Làm việc nhóm cần phối hợp các thành viên để hiệu quả công việc đạt được cao nhất và đúng tiến độ.

7. Đừng tiết kiệm những lời khen với cố gắng và nỗ lực của các thành viên trong nhóm. Bất cứ lời động viên, khen ngợi nào cũng đều khiến cho các thành viên cảm thấy công sức của mình được trân trọng, từ đó sẽ thúc đẩy sự đóng góp của bản thân.

Nếu nắm bắt được 7 phương pháp làm việc nhóm trên và áp dụng phù hợp, vấn đề làm việc nhóm sẽ trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.

Theo Học Làm Gì?

Scroll to Top