Kinh nghiệm hữu ích khi kinh doanh quần áo Online

Rate this post

Kinh doanh quần áo online là công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên bắt đầu từ đâu, và phải làm thế nào để kinh doanh quần áo online một các hiệu quả. Sau đây, mình sẽ hướng dẫn cho các bạn, để kinh doanh quần áo online cần phải chuẩn bị những gì!

Bước 1: Chọn đối tượng khách hàng và mặt hàng bạn định kinh doanh.

Bạn cần đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:

_ Mặt hàng bạn kinh doanh sẽ bán cho ai: nam hay nữ, người trung niên hay giới trẻ, sinh viên hay dân văn phòng?

_ Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Bạn có hiểu biết về đối tượng khách hàng mà mình hướng đến (tâm lý, nhu cầu mua sắm, khả năng chi trả, v.v…)?

_ Khả năng thành công và thất bại bao nhiêu % theo bạn dự tính? Nếu cảm thấy khả năng thành công cao thì hãy làm còn nếu kinh doanh theo trào lưu hay bắt chước bạn bè thi không nên làm.

Bạn phải định hình rõ đối tượng mà shop của bạn hướng đến là ai từ đó lựa chọn mẫu mã sản phẩm cho phù hợp. Ví dụ, nếu bạn lựa chọn giới văn phòng là đối tượng khách hàng chính thì đồ công sở là một trong những lựa chọn tối ưu. Song nếu bạn xác định lứa tuổi teen là khách hàng tiềm năng thì khi lựa chọn sản phẩm bạn cần lưu ý đến sự trẻ trung, cá tính và đặc biệt là cách mix đồ sao cho bắt mắt và nổi bật.

Bước 2: Tìm nguồn cung cấp hàng

Các câu hỏi đặt ra là:

_ Bạn sẽ lấy nguồn hàng ở đâu? Giá cả, chất lượng thế nào?

_ Nguồn hàng đó có đa dạng và cập nhật xu hướng thời trang không?

_ Đặt cọc và thanh toán nguồn hàng (tỷ lệ đặt cọc càng thấp càng tốt, bạn không lo bị chôn vốn).

_ Nơi lấy hàng có cho đổi trả không hay mua đứt bán đoạn.

Hầu hết các chủ shop online đều khởi đầu bằng cách nhập hàng từ các chợ đầu mối như:

_ Hà Nội: chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân, chợ Lim,…

_ Tp. Hồ Chí Minh: chợ An Đông, chợ Tân Bình,…

_ Cửa khẩu: các chợ như: Tân Thanh – Lạng Sơn, Móng Cái – Quảng Ninh (nhập đồ Quảng Châu, Thượng Hải), Mộc Bài – Tây Ninh (nhập đồ Thái Lan, Hồng Kông, Campuchia),…

_ Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể lấy hàng trực tiếp từ quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc), order các mặt hàng từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Pháp,… Việc lấy hàng từ nước ngoài nếu không có khả năng sang tận nơi, bạn phải có mối quan hệ với những cá nhân đang sinh sống hoặc hay qua lại tại các nước đó.

Bước 3: Xây dựng shop online

Có 2 cách để xây dựng một shop online:

Cách 1: Thiết lập website riêng

Một số lời khuyên quan trọng cần lưu ý:

_ Chọn một hoặc hai phông chữ đơn giản trên nền trắng. Tạo sự điều hướng rõ ràng và đơn giản, giống nhau trên mỗi trang.

_ Chỉ sử dụng đồ họa, âm thanh hoặc video nếu chúng giúp nâng cao thông điệp của bạn.

_ Cung cấp nơi để khách hàng đăng kí email nhận các thông tin cần quan tâm để bạn có thể thu thập địa chỉ email.

_ Tạo sự dễ dàng để mua hàng – khách hàng tiềm năng không nhấp chuột quá hai lần để thực hiện thanh toán.

Cách 2: Mở shop online trên các website sẵn có (các trang mạng xã hội, trang rao vặt, các trang trung gian thương mại).

  •  Lập tài khoản trên các trang mạng xã hội, các trang rao vặt.

Đây là một cách vô cùng đơn giản, dễ thực hiện. Hiện tại, các trang mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam bao gồm: Facebook, Zalo, Instagram,…

  •  Mở shop trên các website trung gian thương mại:

Website trung gian thương mại chính là nơi gặp gỡ giữa Người Mua và Người Bán. Tại đây, Người Bán đăng kí tài khoản (tương ứng với việc mở 1 gian hàng trực tuyến trên website) sau đó đăng bán sản phẩm, còn Người Mua có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của mình nhất.

Các lưu ý khi lựa chọn website trung gian thương mại?

_ Sự uy tín: chính sách giao dịch cũng như các điều khoản pháp lý phải rõ ràng và nhất quán.

_ Sự thân thiện: tức là website sử dụng dễ dàng, đặc biệt đối với Người Bán thì thao tác đăng bán sản phẩm đơn giản, dễ thực hiện.

_ Sự bảo mật: website đó phải cam kết rằng bất kì thông tin nào mà cả Người Mua và Người Bán cung cấp đều được bảo mật tuyệt đối, quyền riêng tư của khách hàng luôn được đặt lên đầu tiên.

_ Quy mô kinh doanh: một website trung gian thương mại hoạt động mạnh phải là một website mang lại cho bạn không chỉ vài chục, vài trăm mà phải là hàng trăm ngàn khách hàng, không chỉ ở vài khu vực địa lý mà phải là toàn quốc.

Bước 4: Tiến hành xây dựng hình ảnh cho shop

  • Cập nhật sản phẩm lên shop (hình ảnh, thông tin mô tả sản phẩm, giá cả,…)

Đối với một shop online thì việc up ảnh và mô tả sản phẩm đặc biệt quan trọng vì nó giúp khách hàng nắm được thông tin về sản phẩm khi không trực tiếp xem sản phẩm. Chủ shop phải chú trọng khâu này bằng cách chăm chút hình ảnh trên shop, chụp mẫu sản phẩm…

Đặc thù của shop online là khách hàng xem sản phẩm trên mạng, nên hình ảnh càng lung linh sẽ càng thu hút được sự quan tâm của mọi người. Ngoài việc dùng hình ảnh đã có sẵn trên mạng, bạn cũng có thể chụp sản phẩm cùng mẫu. Những bộ quần áo, những phụ kiện xinh xắn sẽ thu hút hơn nếu được “diện” trên người một người mẫu xinh đẹp.

  • Định giá sản phẩm

Bạn nên tham khảo giá của sản phẩm tương tự trên thị trường đồng thời căn cứ vào số vốn bạn bỏ ra cho việc: vận chuyển, phí mở shop online (nếu có), giá nhập sản phẩm để có thể đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi loại sản phẩm. Giá không được quá cao so với thị trường nhưng cũng phải đảm bảo đem lại lợi nhuận cao nhất có thể cho bạn. Bạn nên lưu ý tiết kiệm đến mức tối đa phí vận chuyển để tránh tình trạng giá bị đẩy lên cao.

  • Cách giao hàng và phương thức thanh toán

Về cách giao hàng, thường trong các gian hàng của mình, chủ hàng sẽ đăng thông tin về cách thức giao, nhận hàng. Với những địa điểm gần nơi bạn trữ hàng, bạn có thể miễn phí vận chuyển. Với những nơi có khoảng cách xa hơn, bạn có thể tính phí ship tùy vào khoảng cách ấy. Bạn nên mở một tài khoản ngân hàng để những khách hàng ở các tỉnh, thành khác có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản.

Nếu có thể, bạn nên mở rộng mạng lưới của mình bằng cách bố trí nhân lực tại một số địa điểm chính. Nhờ đó, việc vận chuyển cho khách sẽ nhanh chóng và tốn ít chi phí phát sinh hơn. Đồng thời, đó cũng là một mẹo để giữ khách. Đối với phương pháp này, bạn nên khéo léo tăng giá sản phẩm nhỉnh hơn một chút để bù vào phí vận chuyển, tuy có cao hơn thị trường nhưng nhìn vào lợi ích được miễn phí ship thì khách hàng vẫn sẽ lựa chọn sản phẩm của bạn.

Với các chủ shop, bán được đồ online phải có tính kiên nhẫn, chịu khó giao đồ tận nơi cho khách nếu có yêu cầu, và phải đặt uy tín lên hàng đầu thì mới mong giữ được khách giữa một “rừng” shop như hiện nay.

  • Phương pháp marketing

Đối với shop online phương pháp maketing chủ yếu là marketing online. Bạn có thể sử dụng các tiện ích của Internet để quảng bá cho shop của mình. Ví dụ như gửi link qua Facebook, Zalo, Skype… nhờ bạn bè phát tán, mở thêm nhiều gian hàng tương tự trên các trang rao vặt, mạng xã hội.

  • Chăm sóc khách hàng

Bạn nên sắp xếp thời gian online để trả lời những thắc mắc của khách hàng vào những thời điểm cố định như: 8 giờ, 10 giờ, 14 giờ, 21 giờ… Tốt hơn cả là bạn nên online thường xuyên, đảm bảo việc cập nhật ý kiến khách hàng được liên tục.

Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, bạn cần phải tỏ thái độ nhiệt tình, thân thiện và lịch sự, sử dụng ngôn ngữ mềm mỏng, hãy quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của khách hàng hơn là tính năng của sản phẩm.

Qua những gợi ý trên, hy vọng sẽ giúp được cho bạn rất nhiều trong việc khởi nghiệp kinh doanh quần áo online của minh. Chúc bạn thành công!

Scroll to Top